Trong mailbox lại thêm một e-mail của thằng bạn thân đang ở California. Nó hỏi đủ chuyện: “Cá linh đã về chưa? Bông so đũa trổ chưa? Dưới quê mình người ta đã xuống giống dưa hấu chưa? Mùa này thị xã có còn ngập khi triều cường?…” Đằng sau những câu hỏi tưởng như vô tận ấy là: Gió chướng đã mơn man trên đồng lúa chín và một cái tết nữa sắp tới…
Cách quê nửa vòng trái đất, không có gió đồng để xác định thời gian, nhưng có lẽ những tờ lịch vô hồn vẫn đủ để đánh thức ký ức về thời điểm giao mùa ở quê hương. Đuổi theo nhịp sống hối hả của một xứ công nghiệp, song nó vẫn còn thời gian, độ lắng vẫn bị sắc màu quá khứ chi phối hẳn nỗi nhớ thương dài đến ngút ngàn. Tôi chợt cảm thấy mình thua nó. Mải mê trả nợ áo cơm, những trưa cơm hàng, cháo chợ, những tối lai rai đã làm phai nhạt hương đồng, gió nội trong lòng tôi, một thằng ngụ cư trên đất Sài Gòn. Đã lâu lắm rồi tôi về quê như kẻ trốn nợ, thoắt đến rồi đi nên chưa ăn lại cá linh nấu canh bông so đũa. Loại cá chỉ có một lần khi mùa mưa dứt..
Với tâm trạng của một kẻ muốn chuộc lỗi, tôi bỏ ra ba giờ viết thư hồi âm rồi dành trọn đêm lang thang trên Net, truy cập vào các Website, các forum của những người Việt xa quê. Hóa ra, chẳng riêng bạn tôi mà còn rất nhiều những người quay quắt, đau đáu với quê hương đã xa. Một Username ở Québec (Canada) hình như đã luống tuổi khẩn khoản yêu cầu check lại thông tin Tết năm nay chợ hoa sẽ mở lại đường Nguyễn Huệ (?) Phía sau câu hỏi ấy hẳn là sự hoài nhớ. Username hẳn đã từng có một thời cùng ai đó thả bước dạo chợ hoa và những cảm xúc ấy không phai được.
Trên một Website dành riêng cho những kẻ tha hương có cùng gốc gác là Vĩnh Long, người ta đang bàn về số phận của vùng bưởi Năm Roi. Ai đó báo tin vùng bưởi này vừa được quy họach thành khu công nghiệp và ngậm ngùi nuối tiếc cho một vùng cây trái đặc sản. Có người thổ lộ nhất định sẽ thu xếp về lại Vĩnh Long để được ăn bưởi Năm Roi ngay chính mảnh đất sản sinh ra nó. Đó không đơn thuần là chuyện thèm vị ngọt ngon trên đầu lưỡi mà bởi muốn tìm lại thời trai trẻ với những buổi trưa hè ôn thi Tú tài dưới bóng những cây bưởi trong vườn nhà. Có cùng hoài niệm ấy, một ông cụ ở Houston (Mỹ) hẹn với một người ở Bordeux (Pháp) sẽ cùng về thắp hương trước Văn Xương Các. Cụ Phan Thanh Giản hẳn sẽ mỉm cười. Đàng sau sự tôn kính tiền nhân ấy là gì nếu không phải sự thương nhớ cố hương ?
Những người Việt xa xứ kể và tranh luận với nhau cả về thời tiết. Một người ở Ba Lan phàn nàn: “Tôi không chịu nổi gam màu sẫm của hoa xứ này và buồn điếng người mỗi lần nhớ tới màu vàng bời bời của bông mai trong nắng hanh hanh. Màu nắng đó ấm như miếng mứt gừng đêm giao thừa. Hồi đó, cứ 23 tháng chạp là tôi đạp xe về Gò Vấp hai ba ngày để chọn một chậu mai chưng Tết. Ở đây, tôi vẫn đưa tay hứng từng giọt nắng nhưng nó giống như nắng giả, không giống nắng ấm quê mình!” Ông bạn này cứ tiếc chưa có dịp đi thăm làng hoa Tân Qui Đông ở Sa Đéc để được ngắm các loài hoa rực rỡ hơn dưới ánh nắng đồng bằng.
Cũng có những người nhớ da diết cái nghèo, cái khổ của một thời đã xa xôi lắm. Một cô giáo ở Cần Đước, Long An nhớ mùa gánh nước ở quê mình. Đó là một nơi giáp biển, cứ gió chướng nổi lên là nước trở mặn. Đêm đêm cả xóm lũ lượt đi gánh nước. Không thi vị như: “Giếng nước trong giữa đồi cát mịn. Ánh nguyệt mờ soi đôi bóng giao kề” như trong bài hát của soạn giả Viễn Châu, mùa khô ở quê cô, đất cứng như đá ong, nứt nẻ và cứa vào gan bàn chân đau thốn tới óc, nhưng hàng đêm vẫn có một bóng đen âm thầm đứng chờ để gánh dùm cô đôi thùng nước qua khúc đường vắng. Người thanh niên ấy đã chết khi chưa kịp thưởng thức hương vị của nụ hôn đầu đời, còn người thiếu phụ nay đang lưu lạc ở trời Âu cứ ray rứt vì cố chấp nên qua ba mùa gánh nước vẫn chưa cho người đó nắm tay…
Trên Internet, có một anh chàng ở Hawaii kêu cứu nhờ: “Chỉ dùm cách đem mắm còng vào Mỹ. Hoặc chỉ siêu thị nào bán mắm còng?”
Mong muốn đó oái oăm, khó đáp ứng và lần truy cập sau, anh chàng này còn liệt kê một lô những mặt hàng mà giới kinh doanh bên đó chắc khó lòng đáp ứng: trái bần ổi, đọt lá sộp,… Thời trẻ, anh chàng này từng ngụp lặn dưới kinh Chợ Gạo vào mùa gió chướng, nước trong thấy đáy để đặt lọp bắt cá bống, bắt còng làm mắm, nấu canh. Bây giờ nhà anh mở ra bãi biển màu xanh như ngọc, ở một nơi được thiên hạ xem như thiên đường du lịch của cả thế giới nhưng vẫn thèm trầm mình dưới kinh, thèm vị chát của trái bần, thèm cái mùi khăm khẳm nhưng vị béo ngậy của mắm còng.
Nỗi nhớ của những du học sinh Việt Nam ở khắp nơi thì trẻ trung hơn. Một cô sinh viên theo học Công nghệ thông tin ở Vancouver (Canada) la toáng trên Net: “Các bác ơi ! Có ai biết thắng nước màu không? Em thử đủ kiểu nhưng không thể nào kho cho cá có màu vàng ươm như ở nhà?” Những bạn trẻ ở Mỹ thì rủ nhau nấu bánh chưng và đi hàng trăm cây số mua lá dong, lạt giang, đậu xanh rồi đi hàng trăm cây số nữa để quay về, để có vài giờ quây quần bên bếp lửa, hồi tưởng về những cái Tết đã qua ở nơi mà cha mẹ, người thân đang mong họ sớm thành tài. Có lẽ tôi sẽ chuyển những địa chỉ này đến một người bạn khác, anh đủ sức lo cho con du học nhưng lại ngay ngáy lo nó “mất gốc”. Với chiều sâu văn hóa, quê hương như ngọn lửa trong lòng mỗi người Việt, mùa đông ở những phương trời xa lo, xa lắc ấy khó mà làm lửa tắt..
Một đêm trên Net, tôi gặp lại muôn mảnh đời mình hoà trong ký ức của bao người xa xứ. Net chưa tải được mùi còng, chưa kẹp và chuyển sắc mai vàng, hơi nắng ấm cho họ nhưng ít nhất Net đang như một dòng chảy luân chuyển những hoài niệm, giúp họ san sẻ cảm xúc với nhau. Hồn Việt vì thế vẫn bàng bạc trong thế giới đang cuồn cuộn chuyển động nên quê hương mãi còn trong tâm tưởng…